PHẪU THUẬT TREO MI LÊN CƠ TRÁN ĐIỀU TRỊ SỤP MI

PHẪU THUẬT TREO MI LÊN CƠ TRÁN ĐIỀU TRỊ SỤP MI
Danh Mục Kỹ Thuật

PHẪU THUẬT TREO MI LÊN CƠ TRÁN ĐIỀU TRỊ SỤP MI

02/01/2025

I. ĐẠI CƯƠNG

Phẫu thuật treo mi lên cơ trán điều trị sụp mi, phẫu thuật nhằm tăng cường độ mở của mi trên để điều trị sụp mi

 

II. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh bị sụp mi độ III, IV có chức năng cơ nâng mi kém. Phẫu thuật có thể chỉ định ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nên phẫu thuật sớm hơn nếu sụp mi từ độ III mà gây nhược thị, lác.

 

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

- Bệnh lý cấp tính của mi, hốc mắt và nhãn cầu.

- Những trường hợp có dấu hiệu Bell (-).

- Toàn thân: tình trạng toàn thân chưa cho phép phẫu thuật.

- Chống chỉ định tương đối trong trường hợp người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông máu.

 

IV. CHUẨN BỊ

Thăm khám – Chuẩn bị:

- Khai thác bệnh sử, tiền căn chi tiết của bệnh.

- Đánh giá mức độ sụp mi (Khoảng cách bờ mi trên và ảnh phản xạ giác mạc khi chiếu đèn)

Sụp độ 1: sa 2mm, bờ mi trên ngay rìa giác mạc

Sụp độ 2: sa 3mm, bờ mi trên qua khỏi rìa giác mạc, còn thấy ánh đèn phản xạ.

Sụp độ 3: sa >= 4mm, bờ mi che nửa giác mạc hoặc hơn, không thấy ánh sáng đèn phản xạ.

- Đánh giá chức năng cơ nâng mi (BT >15mm, tốt 12-15mm, TB 5-11mm, kém <5mm), thị lực, vận động nhãn cầu.

- Chuyển khám chuyên khoa nếu nghi ngờ bệnh lý thực thể.

- Vật liệu treo mi có 2 loại: nhân tạo (thường là dây silicone) và tự thân (thường dùng cân dãy chậu chày của cơ căng mạc đùi)

1. Người thực hiện

- Kíp phẫu thuật: Gồm 01 Phẫu thuật viên chuyên khoa phẫu thuật tạo hình; 02 phụ phẫu thuật

- Kíp gây tê: 01 BS gây tê; 01 phụ tê

- Kíp dụng cụ: 01 điều dưỡng dụng cụ; 01 điều dưỡng chạy ngoài; 01 hộ lý

 

2. Người bệnh

- Khám mắt toàn diện

- Giải thích cho người bệnh và người nhà về cách thức phẫu thuật, kết quả và biến chứng có thể xảy ra.

- Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh ký cam kết phẫu thuật.

- Xét nghiệm tiểu phẩu (huyết đồ, thời gian chảy máu, máu đông, đường huyết)

 

3. Phương tiện

- Bộ dụng cụ phẫu thuật tạo hình vùng mi mắt

- Chỉ khâu prolen 7.0, Nylon 7.0

 

4. Thời gian phẫu thuật: 0,5h - 1h

 

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Tư thế: Nằm ngửa

2. Vô cảm: Gây tê tại chỗ vùng mi mắt.

3. Kỹ thuật:

3.1.Điều dưỡng dụng cụ, KTV gây tê:

- Chuẩn bị NB:

  • Thuốc tê
  • Vệ sinh: tẩy trang vùng mi mắt.

3.2. Bác sĩ: 

- Đo vẽ vùng phẫu thuật:

  • Vùng lấy cân đùi: đường rạch da nằm trên trục chỏm xương mác – gai chậu trước trên, dài 3cm, phía trên khớp gối 3-5cm.
  • Đánh dấu 5 vị trí để luồn vật liệu: 3 điểm trên cung mày (2 điểm ngay phía trên góc trong và góc ngoài cung mày, điểm giữa trên cung mày 2cm), 2 điểm tại mi trên ở góc trong và góc ngoài tương ứng nếp mi tự nhiên hoặc nếp mi dự định tạo.

- Sát khuẩn: Sát trùng vùng cần phẫu thuật bằng dung dịch sát khuẩn.

- Lấy cân đùi:

  • Gây tê tại chỗ
  • Rạch da theo đường vẽ, tách mỡ đến lớp cân
  • Bộc lộ cân theo hướng lên trên, dùng dụng cụ lấy mảnh cân dài 10cm, ngang 3mm cho 1 mắt sụp mi.
  • Ngâm mảnh ghép trong nước muối
  • Khâu vết mổ 2 lớp.

- Treo vật liệu vào cơ trán:

  • Đường rạch da luồn vật liệu giống nhau cho vật liệu nhân tạo và tự thân
  • 5 đường rạch da dài 2-3mm như đánh dấu
  • Đường rạch ở mi xuống đến mặt trước sụn mi. Đường rạch ở trán xuống đến mặt trước màng xương.
  • Dùng kim có lỗ ở đầu (Kim Wright) luồn qua các đường rạch da để đưa vật liệu từ mi mắt lên vùng trán. Hai đầu vật liệu gặp nhau tại đường rạch giữa cung mày
  • Kéo 2 đầu vật liệu để nâng mi mắt lên sao cho bờ mi nằm ngang mức bờ trên mống mắt (tròng đen)
  • Khâu túm 2 đầu vật liệu tại vị trí đang kéo này
  • Cắt chừa 2 đầu vật liệu 1cm để tránh bị tuột. Khâu vùi 2 đầu này vào cân cơ trán.

- Kiểm tra:

  • Mở, nhắm mắt (Hở mi nhẹ 1-2mm khi nhắm mắt là được)
  • Mi mắt và bờ mi không biến dạng, không lật lông mi.
  • Chảy máu, tụ máu, vật nhãn.

- Hoàn tất:

  • Khâu 2 mép da trán chỉ không tan 6.0
  • Băng vết mổ.


 

VI. HẬU PHẨU - BIẾN CHỨNG, DI CHỨNG

- Hậu phẫu:

  • Kháng sinh, giảm đau, kháng viêm uống trong 7-10 ngày
  • Thăm khám rửa vết thương hàng ngày, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, dấu hiệu tụ máu, dấu hiệu sinh tồn, nhiễm trùng vết thương.
  • Sau 7 ngày: Cắt chỉ khâu mí, đánh giá mức độ cải thiện sụp mi.
  • Theo dõi có hở khe mi, lật mí.

- Tai biến của gây tê: dị ứng, sốc phản vệ... Xử trí: Chống sốc, thuốc chống dị ứng

- Chảy máu: cầm máu bằng dao điện

- Sụp mi trở lại: xác định nguyên nhân (như tuột chỉ) để điều trị.

- Chỉnh quá mức: day, xoa mi trên thực hiện sớm sau phẫu thuật 2,3 ngày. Nếu không có kết quả thì điều chỉnh lại bằng phẫu thuật.

- Quặm, lật mi: phẫu thuật lại chỉnh chỗ khâu treo mi để điều trị.

- U hạt: cắt u hạt điều trị thuốc tại chỗ và toàn thân.

- Sa kết mạc: khâu phục hồi kết mạc vào cùng đồ.

- Nhiễm trùng: điều trị kháng sinh tại chỗ và toàn thân.

- Hở mi: gây tổn thương bề mặt nhãn cầu với các mức độ khác nhau như viêm giác mạc hoặc loét giác mạc. Điều trị nội khoa như tra nước mắt nhân tạo, kháng sinh dạng mỡ. Xử trí hạ mi khi có biến chứng đe doạ thị lực.


(Tham khảo chính theo Quyết định số 3449/QĐ-BYT ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) 

Đặt lịch tư vấn

Đặt lịch tư vấn

Vui lòng để lại thông tin, nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ đến Quý Khách trong thời gian sớm nhất.

We use cookies to personalize content and to analyze our traffic. Please decide if you are willing to accept cookies from our website.